Gần đây trên website ITmedia đã đăng kết quả cuộc khảo sát về thời gian làm ngoài giờ trung bình hàng tháng trên đối tượng là 15,000 nhân viên chính thức ở độ tuổi từ 20-59. Bạn có đoán được ngành nào phải làm thêm ngoài giờ nhiều nhất tại Nhật không? Tư vấn IT, xây dựng hay ngành dịch vụ? Cùng xem kết quả trong bài viết dưới đây nhé!
Top 5 ngành nghề phải làm thêm ngoài giờ nhiều nhất tại Nhật
Hiện tại có rất nhiều bạn trẻ chọn đi du học Nhật Bản sau khi hoàn thành chương trình thì quyết định ở lại phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên chọn ngành nào với mức lương tương xứng với thời gian, công sức làm việc là điều mà các bạn nên suy xét từ sớm. Chúng tôi nghĩ rằng làm thêm ngoài giờ cũng là một tiêu chí đánh giá xem có nên chọn công việc đó hay không, bởi không phải ai cũng có đủ sức khỏe hay hoàn cảnh gia đình cho phép làm thêm ngoài giờ quá nhiều.

Sau đây là top 5 ngành nghề phải làm thêm ngoài giờ nhiều nhất tại Nhật:
- Ngành quản lý thiết bị thi công - 41.6 giờ
- Quản lý công trình xây dựng - 36,7 giờ
- Ngành sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng - 35,9 giờ
- Các nhà xuất bản và công ty quảng cáo - 35,2 giờ
- Công việc tư vấn IT liên quan tới các ứng dụng cho doanh nghiệp - 34,4 giờ
Công việc tư vấn IT liên quan tới các ứng dụng cho doanh nghiệp là công việc trong đó các nhân viên tư vấn (thường là những người đang làm việc tại các SIer- các công ty chuyên về xây dựng hệ thống) sẽ phải tư vấn cho khách hàng là các doanh nghiệp những ứng dụng dành cho công việc mà họ nên đưa vào sử dụng, cùng các vấn đề liên quan tới việc phát triển, cập nhật các ứng dụng này. Vì công việc bao gồm rất nhiều khâu từ việc lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, đến việc lên lịch trình triển khai, báo giá cho dự án,... nên công việc thường ngày của các nhân viên tư vấn IT này thường rất bận rộn.
Top các ngành nghề phải làm thêm ngoài giờ nhiều tại Nhật tiếp theo
Xếp ở vị trí thứ 6 đến vị trí thứ 10 lần lượt là quản lý công trình xây dựng (34,2 giờ), nhân viên sales của các công ty thương mại tổng hợp (34 giờ), quản lý thiết kế kiến trúc (32,6giờ), quản lý bán hàng và kinh doanh dịch vụ (32,3 giờ) và cuối cùng là hỗ trợ pháp lý và sales tại công ty kinh doanh chứng khoán (tổng cộng là 32 giờ).
Trong ngành IT, thì mảng tư vấn IT liên quan tới hạ tầng cũng có thời gian làm ngoài giờ tương đối dài, (30 tiếng, xếp vị trí thứ 19). Các nhân viên tư vấn thuộc mảng này thường sẽ phải khảo sát tình trạng network, server, database của công ty khách hàng để đề xuất các phương án giúp cải thiện công việc. Cũng giống như các nhân viên tư vấn về ứng dụng, công việc của họ cũng bao gồm rất nhiều mảng, dẫn đến thời gian làm ngoài giờ cũng tăng lên.

Thời gian làm thêm trung bình tháng của 15 nghìn người là 24,9 giờ. Các ngành có ít thời gian làm thêm bao gồm ngành liên quan đến làm đẹp (10,3 giờ), nhân viên văn phòng hỗ trợ sales (11,1 giờ), sản xuất thiết bị y tế (11,4 giờ), ngành y tế (13,6 giờ), kế toán (14,8 giờ).
Theo như kết quả khảo sát cho thấy, thì không phải cứ những người làm ở các ngành ít phải làm thêm là sẽ cảm thấy hài lòng với công việc của mình. Lý do để làm thêm ngoài giờ có hợp lý và thuyết phục hay không, có thể điều chỉnh được cách làm việc theo ý mình hay không mới là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc mọi người tiếp nhận ra sao đối với việc phải làm thêm giờ.
Trên đây là top những ngành phải làm thêm ngoài giờ nhiều nhất tại Nhật. Tuy mức lương các công việc này không phải ít nhưng thời gian làm việc kéo dài, áp lực công việc lớn là một trong những nguyên nhân khiến có nhiều người Nhật trầm cảm, thậm chí là tự tử.