Nếu muốn thi vào các trường đại học top đầu như Đại học Waseda, Đại học Hosei, Đại học Takushoku, Đại học Công nghiệp Shibaura, Đại học công nghiệp Chiba … thì ngoài thi EJU môn tiếng Nhật bạn bắt buộc phải thi thêm môn Toán và môn Tổng hợp đối với các ngành thuộc ban Xã hội; thi 2 trong 3 môn Lý – Hóa – Sinh đối với các ngành thuộc ban Tự nhiên. Trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ đến các bạn một số kinh nghiệm ôn thi EJU môn toán, chắc chắn rất hữu ích đấy.
Ôn toán những phần nào?
Thi EJU môn toán được chia làm 2 course:
Course 1 dành cho các bạn thi các khoa ngành thuộc ban Xã hội như khoa Quan hệ quốc tế, khoa Xã hội học, khoa Triết học, khoa Kinh tế… Phạm vi ôn tập chủ yếu là toàn bộ toán cấp 2 của Việt Nam và một phần nhỏ toán cấp 3.
Chi tiết gồm có:
- Hàm số và đồ thị hàm số
- Phương trình bậc 2
- Hình học phẳng (lượng giác, tam giác, đường tròn, … và tính chất của các hình)
- Tập hợp, mệnh đề và chứng minh
- Dãy số và xác suất
Trong đó, các dạng bài về hàm số, khảo sát đồ thị hàm số, giải phương trình, xác suất và lượng giác trong tam giác là các dạng bài mà năm nào chắc chắn cũng có.

Course 2 dành cho các bạn thi các khoa ngành thuộc ban Tự nhiên như khoa Cơ khí, khoa Công nghiệp, khoa Kiến trúc… Phạm vi ôn tập là toàn bộ toán cấp 2 và cấp 3 bạn đã học ở Việt Nam:
- Hàm số và đồ thị hàm số.
- Phương trình bậc 2.
- Hình học phẳng (lượng giác, tam giác, đường tròn, … và tính chất của các hình).
- Tập hợp, mệnh đề và chứng minh.
- Dãy số và xác suất.
- Số phức.
- Hình học không gian (điểm và toạ độ, phương trình đường thẳng, đường tròn).
- Các hàm số chứa số tự nhiên e, số logarit, lượng giác, …
- Vi phân (đạo hàm), tích phân và ứng dụng (diện tích đồ thị hàm số, cực đại cực tiểu của hàm số).
- Dãy số (cấp số cộng, cấp số nhân, tổng của dãy số, quy nạp).
- Vector.
- Giới hạn (lim).
Trong đó, các dạng bài về hàm số, khảo sát đồ thị hàm số, giải phương trình, mệnh đề, vector và tích phân là các dạng bài mà năm nào chắc chắn cũng có.
Ôn như thế nào?
Ngay từ đầu khi đi du học Nhật Bản các bạn nên xác định mục tiêu của bản thân là sang học tiếng hay sẽ tiếp tục học lên tiếp để có kế hoạch ôn tập thật tốt, tránh bị động. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều bạn sang Nhật rồi chỉ đầu tư thời gian học tiếng Nhật, đi làm thêm là chính. Vì thế khi có ý thức về ôn thi EJU môn toán thì gần như đã quên hết kiến thức đã học.

Để tránh điều này các bạn nên bắt đầu ôn toán khoảng 6 tháng đến 1 năm trước kỳ thi EJU mà bạn định đăng ký. Như vậy, 70% nội dung kiến thức cần ôn vốn đã có sẵn trong đầu rồi, chỉ cần ôn lại bằng cách giải các bài tập theo từng dạng bài là sẽ nhớ lại ngay thôi.
20% tiếp theo là học từ vựng Toán bằng tiếng Nhật bởi nhiều bài thực chất tuy rất dễ, vốn dĩ chỉ cần một phép tính là xong nhưng chỉ vì đọc đề không hiểu, hay hiểu sai ý đề mà mất điểm uổng phí.
10% còn lại là một số dạng bài ít phổ biến khi học ở Việt Nam nhưng ở Nhật lại hay ra dạng đề đó, học một số quy tắc, ký hiệu mà ở Nhật khác Việt Nam (ví dụ ở Việt Nam, log2 hoặc lg2 = logarit cơ số 10 của 2, ln2 = logarit cơ số e của 2, nhưng ở Nhật, log2 = logarit cơ số e của 2, logarit cơ số 10 phải ghi rõ số 10 nhỏ phía dưới); đồng thời học cách trả lời phiếu đáp án khi thi, luyện tính nhanh và chính xác (vì kỳ thi không cho phép sử dụng máy tính), học cách phân bố thời gian làm bài…
Trên đây là vấn đề mà các bạn cần lưu ý khi ôn thi EJU môn toán. Ngày thi đang đến gần, đây đã là giai đoạn nước rút nên các bạn hãy tập chung ôn tập và luyện đề thật nhiều nhé. Chúc các bạn có kết quả thi thật tốt!